Diễn biến Chiến_dịch_tấn_công_Bratislava-Brno

Giải phóng Bratislava

Quân đội Liên Xô hành quân qua Rudí

Hai ngày trước khi chiến dịch mở màn, để gây nhầm lẫn cho quân Đức về hướng tấn công chính của chiến dịch, Quân đoàn bộ binh cận vệ 25 bắt đầu vượt sông Hron tiến về phía Komárno. Tướng Hans Kreyzing lập tức điều Quân đoàn bộ binh 72 phối hợp với Sư đoàn xe tăng 8 (Quân đoàn xe tăng 57) và Sư đoàn bộ binh 1 SS (Tập đoàn quân 6) từ Komárno tiến ra phản kích. Hành động này vô tình đã làm cho phòng tuyến của quân Đức phía trước các tập đoàn quân 53 và cận vệ 7 bị mỏng đi về binh lực.[5]

Cuộc tấn công chính thức bắt đầu vào đêm 24 rạng ngày 25 tháng 3 khi chủ lực của Phương diện quân Ukraina 2 bắt đầu khởi binh. Dưới sự che chở của màn đêm, Tập đoàn quân 53 và Tập đoàn quân cận vệ 7 bất ngờ tiếp cận phòng tuyến sông Hron, tiêu diệt các đồn tiền tiêu của quân Đức và tiến hành đánh chiếm một số đầu cầu vượt sông trên một chính diện 17 cây số ở phía Nam Levice. Lực lượng công binh cũng được nhanh chóng đưa vào trận địa để xây dựng các cầu phao bắc ngang sông Hron. Vào 6 giờ sáng ngày 25 tháng 3, được sự yểm hộ mạnh mẽ của hỏa lực pháo binh, quân đội Liên Xô bắt đầu tổ chức vượt sông với quy mô lớn và trong ngày hôm đó đã mở rộng đầu cầu ra 20 cây số chiều rộng và 10 cây số chiều sâu. Ngày 26 tháng 3, Cụm kỵ binh cơ giới cận vệ của tướng I. A. Pliyev được đưa vào cửa đột phá với nhiệm vụ thọc sâu vào hậu cứ quân Đức và ngăn không cho phía Đức thiết lập một phòng tuyến vững chắc trên các tuyến sông Nitra, sông Váhsông Morava.[4] Trên cánh phải của Phương diện quân, cũng trong ngày thứ hai của cuộc tấn công, Tập đoàn quân 40 và Tập đoàn quân Romania 4 đã giải phóng thành phố Banská Bystrica sau một trận công kích ngắn.[7]

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Cụm kỵ binh cơ giới cận vệ 1 phối hợp với Tập đoàn quân 53 và Tập đoàn quân cận vệ 7 tiếp tục phát triển tấn công dọc theo tả ngạn sông Donau theo hướng Bratislava. Mũi tấn công được yểm hộ mạnh bởi Tập đoàn quân không quân số 5 và Giang đoàn Danub. Đặc biệt, Giang đoàn Danub đã đóng góp tích cực trong việc giúp đỡ Tập đoàn quân cận vệ 7 tiến dọc theo sông Donau khi lực lượng hải quân đánh bộ của giang đoàn đã tổ chức các đợt tấn công đổ bộ thọc vào sau lưng quân Đức, đồng thời các hải pháo của giang đoàn cũng dập tắt các hỏa điểm cứng đầu của quân Đức dọc theo dải tấn công.[8]

Các xe tăng Đức bị bắn hỏng tại Znojmě

Trong những ngày tiếp theo, quân đội Liên Xô tiếp tục tiến rất nhanh bất chấp bùn lầy mùa xuân và gây ra nhiều khó khăn cho việc di chuyển. Cho đến ngày 28 tháng 3, mũi chủ công của Phương diện quân Ukraina 2 gồm các tập đoàn quân 53, cận vệ 7 và Cụm kỵ binh cơ giới cận vệ 1 đã tiến sâu 40 cây số trên một chính diện 135 cây số. Sau khi vượt qua sông Žitava, cụm kỵ binh cơ giới hóa Pliyev tiếp cận sông Nitra và bắt đầu cuộc chiến giành giật các điểm dân cư Nové Zámky, Šurany, Nitra. Quân Đức tại các cứ điểm phòng thủ trong khu vực này đã kháng cự kịch liệt và tổ chức nhiều đợt phản kích dữ dội. Giao tranh kéo dài và ác liệt suốt nhiều ngày trong từng dãy nhà, từng con phố, từng ngọn đồi. Cuối cùng, sau hai ngày kịch chiến, quân đội Liên Xô đã giải phóng Nové Zámky, Šurany và ngày 30 tháng 3 đã tiếp cận sông Váh.[9] Riêng Tập đoàn quân 40 và Tập đoàn quân Romania 4 vẫn chưa vượt qua được sông Nitra.

Lúc này tất cả các cây cầu bắc ngang sông Váh ở Šaľa, Piešťany, Nové MestoKomárno đều bị quân Đức phá sập và dòng sông rộng 250 mét chảy xiết này trở thành một chướng ngại nghiêm trọng án ngữ trên đường tiến quân của Cụm kỵ binh cơ giới hóa Plyev. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, các lực lượng công binh dưới sự chỉ đạo của thượng tướng A. D. Tsirlin đã bắc ngang sông một cây cầu vững chắc cùng một hệ thống vận chuyển hạng nặng đủ sức duy trì tốc độ tiến quân nhanh chóng cho Cụm kỵ binh cơ giới cận vệ 1.[10]

Xe tăng Liên Xô trên đường phố Křenov vừa được giải phóng

Tại dải tấn công của Tập đoàn quân cận vệ 7, ngày 1 tháng 4 tập đoàn quân này đã tiếp cận cửa ngõ phía Đông thành phố Bratislava, thủ đô của Slovakia. Quân Đức đồn trú trong thành phố gồm Sư đoàn xe tăng "Führer-Begleit", Sư đoàn bộ binh xung kích 46, Sư đoàn bộ binh dự bị 408 và Lữ đoàn xe tăng 103 đã biến thủ đô xinh đẹp của Slovakia thành một pháo đài khổng lồ với vô số boong-ke, công sự bê tông ngầm, vật cản chống tăng cùng những bãi mìn dày đặc. Trên các đường phố la liệt các vật cản chống tăng, hàng rào chống bộ binh và nhiều chướng ngại vật khác. Khu vực ngoại vi phía Đông Bratislava đặc biệt được bố phòng các cứ điểm phòng ngự mạnh. Nhằm tránh cho thủ đô của Slovakia bị tàn phá không cần thiết, Nguyên soái R. Ya. Malinovsky, tư lệnh Phương diện quân Ukraina 2, đã quyết định tổ chức tấn công thành phố bằng một mũi tập hậu từ phía Tây Bắc. Đáng tiếc, ý định tránh các trận kịch chiến trong nội đô Bratislava đã không thực hiện được. Trong suốt hai ngày, các quân đoàn bộ binh cận vệ 23 và 25 cùng với Giang đoàn Danub và Lữ đoàn hải quân đánh bộ 83 đã có một trận chiến dữ dội với quân Đức trấn thủ Bratislava. Kết cục, vào cuối ngày 4 tháng 4, thủ đô Slovakia đã sạch bóng quân Đức.[11]

Trong vòng 10 ngày kể từ đầu chiến dịch, Phương diện quân Ukraina 2 đã giải phóng hàng trăm làng và điểm dân cư. Quân đội Liên Xô tiến vào Slovakia đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của cư dân địa phương. Trên các đường phố người dân đổ ra đường đón mừng các đoàn quân Xô Viết chiến thắng, đông vui như lễ hội. Đại úy Ivan Mitrofanovich Novokhaskiy, chỉ huy một khẩu đội pháo binh thuộc Tập đoàn quân số 53 đã ghi nhận:

Người dân ở những vùng giải phóng của Tiệp Khắc đã rất vui mừng khi gặp chúng tôi, đôi khi họ đứng chật cả đường khiến suốt một thời gian chúng tôi không thể đi tiếp được. Có những cuộc mít tinh tự phát đã diễn ra, nhưng niềm vui chân chất của những người dân ở đây đã làm cho chúng tôi có cảm tưởng như đang được thưởng thức một kỳ nghỉ hè nho nhỏ.
— I. M. Novokhatskiy, [12]

Tiến quân về nơi đã diễn ra trận Austerlitz

Kỵ binh Liên Xô trên đường phố Boskovice

Sau khi Bratislava thất thủ, quân Đức lui về tuyến sông Morava, dự tính sử dụng phòng tuyến tự nhiên này chặn bước quân đội Liên Xô. Tất cả các cây cầu trên sông đã được gài mìn để phá sập, và một lượng lớn viện binh đã được điều đến khu vực này. Tuy nhiên đà tiến quân quá nhanh của Phương diện quân Ukraina 2 đã không cho quân Đức kịp thực hiện ý định đó. Ngày 5 tháng 4, sư đoàn bộ binh cận vệ số 25 (thuộc Tập đoàn quân cận vệ số 7) vượt sông Morava và đánh chiếm một đầu cầu bên bờ Tây. Hai ngày sau, Tập đoàn quân cận vệ số 7 cùng Cụm kỵ binh cơ giới hóa cận vệ Pliyev đánh chiếm một đầu cầu khác ở làng Brodské. Ngày 12 tháng 4, Tập đoàn quân số 53 vượt qua dãy Tiểu Carpath, tấn công khu vực Myjava - Jablonka và trong ngày hôm đó tiếp tục tiến sâu vào lãnh thổ Séc. Quân Đức liên tục tổ chức các đợt phản kích mạnh nhằm trục quân đội Liên Xô khỏi các đầu cầu, nhưng không thành công. Đến giữa tháng 4, Phương diện quân Ukraina 2 đã chọc thủng các phòng tuyến của quân Đức tại khu vực sông Morava.[4]

Để tiếp cận gần hơn với mặt trận và nắm chắc sự chỉ đạo quân đội, ngày 14 tháng 4 năm 1945, nguyên soái R. Ya. Malinovsky ra lệnh chuyển trụ sở Bộ tư lệnh Phương diện quân Ukraina 2 đến làng Modra, cách Bratislava 20 km về phía Bắc. Cũng trong ngày này, Tập đoàn quân đã vượt sông Morava tại 14 cầu tạm, cầu phao 60 tấn và 5 bến phà tại khu vực phía Tây Malacky. Cụm kỵ binh cơ giới cận vệ 1 cũng vượt sông Morava, hai quân đoàn kỵ binh cơ giới cùng tấn công dọc theo hai bờ sông Morava lên phía Bắc. Ngày 15 tháng 4, Cụm kỵ binh cơ giới cận vệ 1 đánh chiếm thành phố Břeclav. Cùng ngày, Tập đoàn quân 53 cũng tổ chức vượt sông Morava đánh chiếm Hodonín thuộc Morava, một trung tâm giao thông thủy - bộ quan trọng trong vùng. Tập đoàn quân 40 và Tập đoàn quân Romania 4 sau khi vượt qua dãy Tiểu Carpath đã tăng tốc độ tấn công lên đến 30 km/ngày và đến chiều 15 tháng 4 đánh chiếm Uherský Brod và đầu mối đường sắt Uherské Hradiště.[5]

Ngày 16 tháng 4, sau khi chiến dịch Viên kết thúc, Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 được trả về cho Phương diện quân Ukraina 2. Lực lượng này cùng với Cụm kỵ binh cơ giới hóa cận vệ 1 và Tập đoàn quân 53 tiếp tục hành tiến lên Brno, chuẩn bị một cuộc tấn công vào thành phố này. Brno là một trung tâm công nghiệp lớn gồm các tổ hợp công nghiệp chế tạo máy đồng thời là một đầu mối giao thông quan trọng trong vùng. Đây là nơi có hai nhà máy sản xuất xe tăng, xe bọc thép, xe cơ giới "Skoda" và "Zbroevka", các nhà máy sản xuất đạn dược cùng rất nhiều kho quân trang, quân dụng. Nhận thức được tầm quan trọng của Brno, quân Đức đã bố trí tại đây một lực lượng phòng ngự rất lớn bao gồm các sư đoàn xe tăng 8 và "Führer-Begleit", Sư đoàn bộ binh cơ giới xung kích 101, Sư đoàn kỵ binh an ninh SS 201 và các sư đoàn bộ binh 46, 711 và 601 mới được tăng cường. Ngày 16 tháng 4, khi Cụm kỵ binh cơ giới cận vệ 1 (Liên Xô) tiếp cận Brno từ phía Đông Nam qua ngả Moravský Krumlov, các lực lượng này đã chống giữ dữ dội trên các cửa ngõ dẫn vào thành phố và liên tục tổ chức phản kích. Để nhanh chóng thanh toán các lực lượng Đức tại Brno, nguyên soái R. Ya. Malinovski điều Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 vừa trở lại đội hình phương diện quân tiến lên phía Đông Brno, đánh chiếm thị trấn công nghiệp Bučovice và dùng nó làm bàn đạp công kích vào Brno từ hướng Đông.[13]

Kỵ binh Romania hành quân qua Boskovice

Mũi tấn công của Cụm kỵ binh cơ giới 1 cũng được điều chỉnh lại. Tướng I. A. Pliyev được lệnh không đánh vỗ mặt vào hướng Đông Nam thành phố mà chuyển sang hướng Tây thành phố. Quân đoàn kỵ binh cận vệ 4 tiến ra Těšany. Quân đoàn kỵ binh cận vệ 6 tiến đến Rouchovany. Quân đoàn cơ giới cận vệ 7 phải đánh chiếm được Medlov. Hướng tấn công từ Moravský Krumlov sẽ do Tập đoàn quân 53 đảm nhận. Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 phải tiến lên phía Bắc thành phố, cắt đứt liên lạc giữa Cụm quân Đức tại Brno với Tập đoàn quân xe tăng 1 đang đóng tại khu tam giác Prostějov - Olomouc - Přerov. Ngày 18 tháng 4, cả ba tập đoàn quân Liên Xô triển khai tấn công. Ngày 19 tháng 6, Quân đoàn kỵ binh cận vệ 6 tấn công vào khu vực Jihlava Svratka, giải phóng hơn 10 điểm dân cư. Sư đoàn kỵ binh cận vệ 13 đánh chiếm thành phố Ivančice. Cuối ngày 19 tháng 4, toàn bộ Cụm kỵ binh cơ giới cận vệ 1 đã tiến ra tuyến Rosice - Oslavany, vây bọc phía Tây Brno. Cùng ngày 20 tháng 4, Tập đoàn quân 53 đã áp sát ngoại ô phía Nam Brno. Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 đánh chiếm Křetín.[14]

Ngày 21 tháng 4, tướng Hans Kreyzing tung ra một đòn phản kích lớn tại khu vực ŠitbořiceNový Dvůr. Tham gia cuộc phản công có các cụm tác chiến chiến đấu trận chiến "Johans", "Gordol" và Cụm tác chiến SS "Frundeberg". Ngày 22 tháng 4 một trung đoàn tăng và một trung đoàn pháo tự hành từ hướng Moravská-Ostrava đến khu vực phản kích. Các cụm tác chiến "Otto" và "Šlotau" cũng được huy động vào trận đánh. Quân đoàn bộ binh 49 (Tập đoàn quân 53) bị hơn 50 xe tăng và 35 pháo tự hành Đức cùng Cụm tác chiến sư đoàn cơ giới SS "Frundeberg" đẩy lùi về vị trí xuất phát ngày 19 tháng 4. 8 giờ sáng ngày 23 tháng 4, Phương diện quân Ukraina 3 bẻ gãy cuộc phản kích của quân Đức bằng cuộc đột kích nhanh của Quân đoàn xe tăng cận vệ 5 phối hợp với Quân đoàn cơ giới cận vệ 4 vừa được gửi từ Bratislava lên. Đến chiều cùng ngày, xe tăng Liên Xô đã đột nhập vào nội đô Brno. Chiến sự tiếp tục bùng nổ trên các đường phố Brno với cường độ vô cùng dữ dội với những trận đánh khốc liệt nhất diễn ra ở vùng đất cao Pratzen, chiến trường chính của trận Austerlitz lừng tiếng 140 năm trước đó. Ngày 26 tháng 4, Quân đội kỵ binh cận vệ 6 và Quân đoàn cơ giới cận vệ 7 bắt đầu tấn công vào trung tâm thành phố. Sau một ngày kịch chiến trên từng dãy phố và từng tòa nhà, chiều tối ngày 26 tháng 4 thành phố Brno đã sạch bóng quân Đức.[10]

Sau khi giải phóng Brno, Tập đoàn quân 53 tiếp tục hành tiến tới Olomouc để hội quân với Phương diện quân Ukraina 4 nhằm bao vây chủ lực của Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức). Tại khu vực này, chiến sự kéo dài tới ngày 10 tháng 5 mới kết thúc. Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 được điều trở lại khu vực Drigoles để từ đây, phối hợp với Tập đoàn quân cận vệ 7 mở một mũi đột kích nhanh theo con đường ngắn nhất về phía Nam Praha.[5]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_tấn_công_Bratislava-Brno http://www.dolin.estranky.cz/clanky/historie---cla... http://bdsa.ru/index.php?option=com_content&task=v... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://militera.lib.ru/h/samsonov2/19.html http://militera.lib.ru/memo/russian/9may/06.html http://militera.lib.ru/memo/russian/9may/16.html http://militera.lib.ru/memo/russian/ainutdinov_sh/... http://militera.lib.ru/memo/russian/andruschenko_s... http://militera.lib.ru/memo/russian/chirkov_bt/03.... http://militera.lib.ru/memo/russian/mihin_pa/21.ht...